Theo dự Luật Đường bộ, ôtô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi, chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe.
Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Luật Đường bộ, được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo luật hiện hành, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.
Trong dự thảo mới, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ôtô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử. Như vậy, ôtô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be… sẽ được xếp vào loại hình taxi.
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng ôtô phải có giấy phép kinh doanh; ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của người lái xe; lưu trữ giao dịch tối thiểu 2 năm…
Nội dung này nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp vận tải. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xét về đặc điểm, bản chất kinh doanh, xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ chính là taxi, cần quản lý như taxi, không nên tạo ra loại hình vận tải mới. Nội dung này đưa vào Luật Đường bộ sẽ đồng nhất với Nghị định 10 trước đó đã có điều khoản này.
Trước đây, doanh nghiệp taxi chịu bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Các xe Grab, Be… không phải chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe và phải niêm yết giá như taxi.
Dự thảo Luật Đường bộ cũng bổ sung quy định loại hình xe đưa đón học sinh. Các phương tiện này phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, niên hạn không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.
Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non, cơ sở giáo dục phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên xe để giám sát học sinh trong suốt chuyến đi. Với xe trên 24 chỗ, cần tối thiểu hai người quản lý trên mỗi ôtô.
Với dịch vụ cho thuê phương tiện, đơn vị kinh doanh chỉ được cho thuê ôtô con, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, môtô ba bánh khi người thuê có giấy phép lái xe phù hợp. Xe ôtô cho thuê phải lắp thiết bị giám sát hành trình và truyền dữ liệu.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết một số doanh nghiệp còn băn khoăn việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình với các xe nội bộ doanh nghiệp, xe đưa đón học sinh, chở công nhân, xe hợp đồng. Bản thân ông cũng cho rằng chỉ nên lắp thiết bị này với các xe kinh doanh vận tải trên tuyến đường dài để tránh lãnh phí, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có màu sơn, biểu trưng của doanh nghiệp để thuận lợi cho hành khách nhận biết và cơ quan nhà nước quản lý”, ông nói.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2020), Quốc hội đã biểu quyết, thống nhất không tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chuyển cho Quốc hội khóa XV xem xét.
Mới đây, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội đưa nội dung dự thảo Luật Đường bộ vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba khai mạc tháng 5.